Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, có rất nhiều trường hợp chủ đầu tư quyết định chuyển nhượng dự án đầu tư của mình vì nhiều lý do. Vậy điều kiện, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây Công ty Luật Việt JVS sẽ gửi đến các Chủ đầu tư những quy định pháp luật để hiểu hơn về quy trình chuyển nhượng dự án.
1. Chuyển nhượng dự án đầu tư là gì?
Chuyển nhượng dự án đầu tư là việc nhà các đầu tư chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án của mình cho một nhà đầu tư khác được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư. Việc chuyển nhượng này bao gồm việc chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền lợi, nghĩa vụ và tài sản liên quan đến dự án đầu tư, trong đó có quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền lợi kinh tế thuộc về dự án đó. Việc chuyển nhượng dự án đầu tư bắt buộc tuân thủ các điều kiện liên quan đến dự án đầu tư, nhà đầu tư hiện tại và bên nhận chuyển nhượng đầu tư.
2. Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư
2.1. Điều kiện của dự án chuyển nhượng
Căn cứ theo khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư năm 2020, đối với dự án chuyển nhượng phải đáp ứng những điều kiện dưới đây thì nhà đầu tư mới có quyền chuyển nhượng:
- Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư 2020;
- Đáp ứng theo điều kiện chuyển nhượng về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư có gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Đáp ứng theo điều kiện chuyển nhượng về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
- Đáp ứng theo điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
2.2. Điều kiện của bên nhận chuyển nhượng dự án
Căn cứ theo khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư năm 2020, đối với chủ đầu tư mới là bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng những điều kiện dưới đây thì mới có quyền chuyển nhượng:
- Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật ;
- Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
Ngoài những điều kiện chung trên, tùy thuộc vào loại dự án đầu tư chuyển nhượng sẽ có những điều kiện riêng biệt khác nhau được quy định.
3. Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư
Căn cứ theo quy định tại Điều 48 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
+ Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng dự án đầu tư;
+ Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
+ Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
+ Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
+ Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư. (Khoản 5 Điều 48 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
4. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư
Có tổng cộng 6 trường hợp có thể xảy ra khi chuyển nhượng dự án đầu tư, vì vậy trình tự và thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư cho mỗi trường hợp sẽ có sẽ khác biệt tương ứng. Dưới đây là các bước chuyển nhượng dự án đầu tư cụ thể của từng trường hợp:
Trường hợp 1: Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư trước khi dự án khai thác vận hành hoặc có sự thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư;
Trường hợp 2: Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020.
Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư áp dụng cho trường hợp 1 và trường hợp 2 như sau:
- Bước 1: Nộp 08 bộ hồ sơ theo mục 2.1 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xem xét điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư 2020 để quyết định điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Trường hợp 3: Đối với dự án đầu tư đã được chấp nhận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định sau:
- Bước 1:Nộp 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư, trong đó văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư được thay thế bằng văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
- Bước 2:Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng cấp có liên quan về việc đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư 2020;
- Bước 3:Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó, gửi Cơ quan đăng ký đầu tư;
- Bước 4:Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm nội dung theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Bước 5:Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
- Bước 6:Quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư ghi nhận nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, phần dự án chuyển nhượng (nếu có) và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
Trường hợp 4: Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa vào khai thác, vận hành thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng dự án.
Trường hợp 5: Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020, thủ tục điều chỉnh dự án được thực hiện như sau:
- Bước 1: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
- Bước 2: Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư 2020để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
- Bước 3: Gửi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
Trường hợp 6: Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư:
- Bước 1: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng trong các trường hợp nêu trên;
- Bước 2: Sau khi hoàn thành thủ tục quy định, nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
5. Dịch vụ tư vấn chuyển nhượng dự án của Công ty Luật Việt JVS
Khi doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng dự án sẽ gặp những các khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật. Do đó, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức, đặc biệt giúp doanh nghiệp định hướng cách thức thực hiện chuyển nhượng đạt lợi ích và hiệu quả cao nhất Công ty Luật Việt JVS cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển nhượng dự án.
Dịch vụ tư vấn chuyển nhượng dự án Công ty Luật Việt JVS:
- Tư vấn các quy định pháp lý về việc chuyển nhượng dự án của doanh nghiệp;
- Tư vấn điều kiện chuyển nhượng dự án, phương thức, phương án chuyển nhượng phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp;
- Tư vấn, đánh giá tình trạng pháp lý, hồ sơ pháp lý của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng dự án;
- Tư vấn và đánh giá, dự liệu các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động chuyển nhượng dự án của doanh nghiệp;
- Tư vấn chuyển nhượng dự án độc lập với pháp nhân công ty hoặc chuyển nhượng dự án găn liền với chuyển nhượng công ty, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần;
- Tư vấn các vấn đề về thuế phát sinh trong giao dịch chuyển nhượng dự án;
- Tư vấn hình thức thanh toán, thu xếp vốn, kết nối hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong giao dịch chuyển nhượng dự án;
- Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật và tuân thủ chế độ báo cáo, công bố thông tin liên quan đến việc thực hiện chuyển nhượng dự án hoặc mua bán doanh nghiệp;
- Tư vấn, đàm phám về các giao dịch liên quan đến hoạt động chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng doanh nghiệp, soạn thảo hồ sơ, hợp đồng chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng, mua bán doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần;
- Tư vấn pháp lý nội bộ doanh nghiệp, xây dựng các văn bản pháp lý về tổ chức bộ máy hoạt động của doanh nghiệp;
- Đại diện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với nội dung trên, Việt JVS cung cấp thông tin tư vấn về điều kiện, trình tự và thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ với Việt JVS để được tư vấn pháp luật miễn phí và sử dụng dịch vụ của chúng tôi.