Giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp

Trong quá trình kinh doanh thương mại, ngoài các tranh chấp hợp đồng, tranh chấp với bên thứ ba, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ trong nội bộ. Quá trình giải quyết tranh chấp nội bộ cũng cần tuân thủ theo một số nguyên tắc nhất định. Bài viết dưới đây Công ty Luật Việt JVS sẽ cung cấp kiến thức pháp lý về tranh chấp nội bộ doanh nghiệp điển hình, cách giải quyết và các vấn đề khác có liên quan. 

1. Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp là gì?

Tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp là những mâu thuẫn, những bất đồng giữa các cá nhân, tổ chức trong công ty phát sinh trong quá trình thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp gồm: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.”

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ công ty

Căn cứ khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 thì nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ được quy định trong Điều lệ công ty. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, việc giải quyết trước tiên thực hiện theo nguyên tắc trong Điều lệ. 

Thông thường, việc giải quyết tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp trước hết được thực hiện theo phương thức thương lượng, hòa giải; trường hợp không thể thương lượng, hòa giải thì bất kỳ bên nào cũng có quyền đưa tranh chấp ra cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.

3. Phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp

3.1. Thương Lượng

Đối với những tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp, pháp luật vẫn ưu tiên khuyến khích các bên tự thương lượng, hòa giải với nhau. Đây là phương thức giúp hài hòa lợi ích của các bên và tiết kiệm chi phí nhất.

3.2. Hòa giải thương mại

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp.

Trình tự, thủ tục hòa giải thương mại thực hiện theo Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP:

  • Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải.
  • Trường hợp không có thỏa thuận thì hòa giải viên thương mại tiến hành theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình tiết, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.

3.3. Khởi kiện tại Trọng tài thương mại

Căn cứ Điều 5, Điều 16 và Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì tranh chấp chỉ được giải quyết bằng Trọng tài khi có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp vô hiệu. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập trước hoặc sau khi có tranh chấp, bằng văn bản, dưới hình thức là một thỏa thuận riêng hoặc một điều khoản trong hợp đồng.

Ưu điểm của phương thức giải quyết này là tính bảo mật thông tin cao, phù hợp với nhu cầu của nhiều doanh nghiệp trong việc bảo vệ các bí mật kinh doanh, tài liệu quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp,..

3.4. Khởi kiện tại Tòa án

Đây là phương thức mang tính quyền lực nhà nước cao nhất và có giá trị cao trong cưỡng chế thi hành án. Việc khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, những tranh chấp nội bộ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, bên có quyền lợi bị ảnh hưởng có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp Tỉnh nơi bị đơn cư trú nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là pháp nhân.

4. Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp của Công ty Luật Việt JVS

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp:

  • Tư vấn xác định tranh chấp nội bộ doanh nghiệp;
  • Tư vấn quy định pháp luật về các phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ; ưu và nhược điểm từng phương thức tùy theo tình hình của từng doanh nghiệp;
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp;
  • Tư vấn và soạn thảo các văn bản, đơn từ trong quá trình giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp;
  • Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong tranh chấp nội bộ doanh nghiệp;
  • Nhận ủy quyền làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và có liên quan;
  • Các công việc khác theo thỏa thuận và theo quy định pháp luật.

Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp hiện nay rất phổ biến nhưng nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy xấu cho doanh nghiệp. Luật Việt JVS với đội ngũ Luật sư và chuyên viên chuyên nghiệp sẽ giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả cũng như đảm bảo và duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ.