Một doanh nghiệp luôn cần thực hiện rất nhiều loại hợp đồng trong quá trình kinh doanh. Để đảm bảo tính hợp pháp, lợi ích công bằng của 2 bên, pháp luật Việt Nam đã đưa ra các điều khoản quy định về các vấn đề phát sinh khi soạn hợp đồng. Trong bài viết này, Công ty Luật Việt JVS sẽ giải đáp mọi thắc mắc của quý công ty liên quan đến quá trình soạn thảo hợp đồng
1. Soạn thảo hợp đồng là gì?
Soạn thảo hợp đồng là quá trình xác định các điều khoản được đưa ra sau khi hoàn tất thỏa thuận giữa các bên. Các điều khoản cần dựa trên các quy định pháp luật tương ứng, điều chỉnh mối quan hệ xác hội mà các bên đang xác lập. Một hợp đồng hoàn chỉnh và có tính pháp lý khi người trực tiếp soạn hợp đồng hiểu rõ về tính pháp lý và phạm vi áp dụng của hợp đồng.
Tiếp đến, người soạn thảo sẽ thực hiện bổ sung các nội dung chi tiết, chỉnh sửa bản hợp đồng. Sau đó, người soạn thảo kiểm tra, rà soát và đối chiếu lại điều khoản của hợp đồng với các quy định của pháp luật. Hợp đồng cần được nghiên cứu kỹ bởi các bên tham gia ký kết nhằm hạn chế tối đa các rủi ro pháp lý có thể phát sinh sau khi ký kết.
2. Các kỹ năng cần có khi soạn thảo hợp đồng/ thỏa thuận hợp tác
2.1. Kỹ năng chuyên môn
Xét trên phương diện kỹ năng chuyên môn, người soạn hợp đồng cần đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
- Người soạn thảo hợp đồng cần nắm chắc hệ thống quy định của pháp luật đối với việc điều chỉnh quan hệ xã hội bên trong hợp đồng. Đồng thời, người soạn hợp đồng cần có tư duy pháp lý vững chắc nhằm đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng
- Toàn bộ văn bản pháp luật được viện dẫn làm căn cứ pháp lý phải đang có hiệu lực pháp lý. Một quan hệ xã hội sẽ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật, nó là sự kết hợp linh hoạt giữa bộ luật chung và bộ luật chuyên ngành. Do đó, để soạn thảo được hợp đồng đạt chuẩn, người soạn hợp đồng cần có khả năng áp dụng nhuần nhuyễn từng quy định vào từng bối cảnh.
- Đánh giá được toàn bộ các điều kiện để một hợp đồng có hiệu lực pháp luật để đảm bảo hợp đồng có hiệu lực. Nó bao gồm: Điều kiện năng lực pháp luật, năng lực hành vi của các chủ thể ký kết, mục đích giao kết hợp đồng.
2.2. Kỹ năng mềm
Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, người soạn thảo hợp đồng cần trang bị những kỹ năng mềm quan trọng sau đây:
- Kỹ năng viết: Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng luôn cần sự cẩn trọng, chính xác. Do đó, người soạn thảo cần có khả năng viết tốt để đảm bảo tính chuyên môn, ngắn gọn lại dễ hiểu. Điều này tạo nên tính chuyên nghiệp và các bên ký kết có thể dễ dàng theo dõi, thực hiện cam kết trong hợp đồng một cách chính xác.
- Kỹ năng soạn thảo văn bản: Toàn bộ các phần nội dung trong hợp đồng đều yêu cầu trình bày một cách khoa học và chuyên nghiệp. Do đó, người soạn hợp đồng cần có kỹ năng soạn thảo văn bản.
- Kỹ năng phân tích và đánh giá: Người soạn thảo cần có khả năng phân tích và đánh giá tính pháp lý của từng cam kết, yêu cầu cần thực hiện trong hợp đồng, lường trước các rủi ro hoặc hậu quả pháp lý có thể phát sinh trong mọi trường hợp.
3. Các vấn đề cơ bản cần có trong hợp đồng/ thỏa thuận hợp tác
3.1. Đối tượng hợp đồng
“Hợp đồng” là một giao dịch dân sự, cụ thể căn cứ tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, là chứng thư để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Do đó, các bên thực hiện thống nhất tên gọi hợp đồng phù hợp với giao dịch cần thực hiện.
Trong hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng mua bán hàng hóa, cần ghi rõ quy chuẩn về đóng gói, xếp hàng, bảo quản. Số lượng, kích thước của hàng hóa cũng cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng, đồng thời quy đổi ra đơn vị thống nhất giữa các bên để hạn chế các rủi ro tranh chấp về sau.
3.2. Giá trị hợp đồng, tiến độ và phương thức thanh toán
- Trong Hợp đồng cần ghi rõ giá trị hợp đồng bằng số và chữ, với đơn vị tiền tệ là Đồng Việt Nam (VND).
- Trong các giao dịch quốc tế, trong hợp đồng có thể ghi nhận tiền mặt và giá trị quy đổi sang tiền quốc tế.
- Hợp đồng nên có sự quy định rõ ràng về tiến độ thực hiện hợp đồng, thời hạn thực hiện.
- Đối với việc thanh toán, hợp đồng quy định phương thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Việc thanh toán trong một lần hoặc thành nhiều đợt.
3.3. Giao, vận chuyển, nhận đối tượng hợp đồng và quyền sở hữu đối tượng hợp đồng
Trong quá trình giao nhận hàng hóa, khó tránh khỏi rủi ro phát sinh, dẫn đến giao chậm, hư hỏng hoặc mất mát hàng hóa. Do đó, các bên cần thống nhất và ghi đầy đủ các thông tin:
- Lịch trình giao hàng hoặc lịch trình cung cấp dịch vụ;
- Phương tiện vận chuyển và chi phí vận chuyển do bên nào chịu.
- Chi phí bốc xếp của mỗi bên;
- Quy định lịch giao nhận hàng, chế tài đối việc bên mua không nhận hàng; chế tài nếu bên bán không có hàng giao khi phương tiện chở hàng của bên mua đến;
- Trách nhiệm kiểm nhận phẩm chất, quy cách hàng hóa khi nhận hàng; các biểu mẫu, giấy tờ, biên bản xác nhận chất lượng hàng hóa.
- Các thủ tục giải quyết khi phát hiện hàng thiếu hoặc không đúng tiêu chuẩn chất lượng;
- Nghĩa vụ bồi thường;
- Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa;
3.4. Chính sách bảo quản và bảo hiểm đối tượng hợp đồng trong quá trình thực hiện
Điều kiện bảo hiểm là những điều quy định phạm vi trách nhiệm của người bảo hiểm đối với những rủi ro tổn thất của đối tượng bảo hiểm.
Trong đó quy định:
- Phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm;
- Cam kết chịu trách nhiệm của bảo hiểm về việc bồi thường những tổn thất của đối tượng hợp đồng do một rủi ro gây ra;
- Nghĩa vụ trả phí bảo hiểm của bên được bảo hiểm cho bên bảo hiểm
- Quy định các điều khoản loại trừ nghĩa vụ bảo hiểm
3.5. Chính sách bảo hành (nếu có)
Trong quá trình bảo hành, nếu bên bán nếu có lỗi thì phải bồi thường về bảo hành
Theo khoản 1 Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015, bên cạnh yêu cầu bên bán thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có thể yêu cầu bồi thường về các khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.
Hợp đồng cần quy định các trường hợp không được bảo hành, giảm mức bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 419 Bộ luật này.
3.6. Sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan
Để tránh những tranh chấp hoặc bồi thường liên quan đến vấn đề này, hợp đồng nên quy định rõ, liệt kê cụ thể về:
- Định nghĩa sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
- Trách nhiệm của mỗi bên khi xảy ra các sự kiện này;
3.7. Các điều khoản miễn trừ
Căn cứ theo quy định Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, quy định trách nhiệm miễn trừ đối với hành vi vi phạm như sau:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
3.8. Các chế tài khi vi phạm hợp đồng
- Căn cứ Điều 352, 356, 357, 358, 360 418, 419 Bộ luật Dân sự 2015;
- Căn cứ Điều 292 Luật Thương mại 2005
Các chế tài khi có sự vi phạm hợp đồng bao gồm:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
- Phạt vi phạm.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
- Huỷ bỏ hợp đồng.
- Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
3.9. Điều khoản về Bên thứ ba
Theo Điều 415 và Điều 416 Bộ luật Dân sự 2015, quy định các trường hợp thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba và quyền từ chối của người thứ ba
3.10. Khiếu nại và Thỏa thuận các điều khoản phát sinh
Thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, tùy mặt hàng, dịch vụ mà thời hạn này có thể khác nhau. Nếu các bên không thỏa thuận thì căn cứ Điều 318 Luật Thương mại 2005, thời hạn này được xác định như sau:
- Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hóa;
- Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hóa; trong trường hợp hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
- Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.
3.11. Cơ chế giải quyết tranh chấp (luật áp dụng, cơ quan tài phán, chi phí tố tụng)
Đối với việc giải quyết tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp về thương mại quốc tế, các bên cần quy định cụ thể về luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp và chi phí giải quyết tranh chấp mà mỗi bên phải chịu.
4. Dịch vụ soạn thảo hợp đồng/ thỏa thuận hợp tác của Công ty Luật Việt JVS
- Theo dõi, giám sát, cố vấn trong quá trình thực hiện hợp đồng;
- Nghiên cứu tài liệu liên quan, tìm hiểu thông tin liên quan về các bên trong hợp đồng trong các trường hợp cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp từ đó đưa ra giải pháp tối ưu cho việc soạn thảo và ký kết hợp đồng
- Tư vấn, soạn thảo, đàm phán các nội dung điều chỉnh (Phụ lục hợp đồng nếu có);
- Cung cấp các mẫu hợp đồng có sẵn để khách hàng lựa chọn;
- Rà soát lại hợp đồng và tư vấn sửa đổi điều khoản trong hợp đồng;
- Tư vấn, nhận ủy quyền, trực tiếp giải quyết tranh chấp hợp đồng (các hướng giải quyết có thể là thương lượng, thỏa thuận, trên tinh thần hợp tác của các bên hoặc nhờ sự can thiệp của cơ quan tài phán cụ thể là trung tâm trọng tài hoặc khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu quyền và lợi ích của thân chủ bị xâm phạm);
- Đảm bảo triệt tiêu những rủi ro pháp lý có thể sẽ xảy ra cho khách hàng nhằm giải quyết tối ưu quyền lợi khách hàng;
- Thực hiện công chứng hợp đồng thay cho khách hàng (nếu có yêu cầu);
- Tư vấn pháp lý các vấn đề liên quan khác trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Trên đây là những thông tin cũng như quy định pháp luật liên quan đến soạn thảo hợp đồng/hợp tác kinh doanh, nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ với chũng tôi để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.