Giải quyết tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng hiện nay đang diễn ra ngày càng phổ biến và đã dần đa dạng hơn về cả nội dung và hình thức. Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến phát sinh tranh chấp về chủ thể giao kết hợp đồng và quyền lợi, nghĩa vụ các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để hỗ trợ Quý bạn đọc về các thông tin pháp lý liên quan đến quy định về tranh chấp hợp đồng cũng như giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, Luật Việt JVS cung cấp bài tư vấn sau.

1. Tranh chấp hợp đồng là gì?

Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015, khái niệm hợp đồng được hiểu là:

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”.

Việc giao kết hợp đồng phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

  • Tự do giao kết nhưng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
  • Tự nguyện giao kết, cam kết thỏa thuận, thiện chí và trung thực.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về khái niệm tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, từ khái niệm hợp đồng nêu trên có thể hiểu rằng, tranh chấp hợp đồng được là sự mâu thuẫn, xung đột, bất đồng ý kiến của các bên trong quan hệ hợp đồng với nhau, liên quan đến việc thực hiện không đúng hay không thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo sự thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Các dạng tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng bao gồm các dạng tranh chấp liên quan đến các loại hợp đồng như: Hợp đồng dân sự, Hợp đồng Kinh doanh – Thương mại, Hợp đồng lao động,…

2.1. Tranh chấp hợp đồng dân sự

Hiện nay, tranh chấp hợp đồng dân sự diễn ra chủ yếu ở các loại hợp đồng như: Tranh chấp Hợp đồng mua bán tài sản; Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản; Tranh chấp Hợp đồng thuê nhà; Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Tranh chấp hợp đồng đặt cọc; Tranh chấp Hợp đồng ủy quyền; … các loại hợp đồng được quy định trong Bộ luật dân sự cũng như các luật khác liên quan.

Những tranh chấp phát sinh trong qua trình thực hiện hợp đồng dân sự có thể là: tranh chấp về giá, phương thức thanh toán; số lượng, chất lượng hàng hóa; thời điểm có hiệu lực hợp đồng; thời điểm chuyển giao rủi ro; thời điểm giao hàng, thời điểm thanh toán; quyền và nghĩa vụ các bên; điều khoản phạt vi phạm; bồi thường thiệt hại; …

2.2. Tranh chấp Hợp đồng Kinh doanh – Thương mại

Tranh chấp hợp đồng thương mại phát sinh giữa các bên đều là các thương nhân (có đăng ký kinh doanh) và các bên ký kết hợp đồng vì mục đích lợi nhuận.

Tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại bao gồm các loại tranh chấp như:

–  Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa;

– Tranh chấp hợp đồng Cung ứng dịch vụ;

–  Tranh chấp hợp đồng xúc tiến thương mại như: Hợp đồng khuyến mại, Hợp đồng quảng cáo, Hợp đồng triển lãm,

–  Tranh chấp hợp đồng trung gian thương mại như: Hợp đồng đại lý, hợp đồng ủy thác, Hợp đồng đại diện, Hợp đồng môi giới thương mại,…

2.3. Tranh chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Những tranh chấp về quyền sử dụng đất chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Giả mạo giấy tờ về quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được sự đồng ý của chủ sở hữu; giao dịch giấy viết tay không có công chứng;…

2.4. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản, tranh chấp hợp đồng tín dụng

Chủ yếu tranh chấp phát sinh do một trong các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng, mà cụ thể là nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, tranh chấp cũng có thể phát sinh từ nội dung hợp đồng, giải thích từ ngữ, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng, …

2.5. Tranh chấp hợp đồng lao động

Tranh chấp này phát sinh chủ yếu giữa người lao động và người sử dụng lao động về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng).

3. Các hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng có thể được giải quyết thông qua nhiều phương pháp khác nhau như: Hòa giải, trọng tài hay Tòa án. Các bên trong tranh chấp có thể cân nhắc lựa chọn một phương pháp phù hợp hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

3.1. Phương thức thương lượng, hòa giải:

Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia, giúp đỡ của bên thứ bao trung lập, các bên tranh chấp cùng tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định pháp luật, truyền thống đạo đức, xã hội.

Trên thực tế, việc hòa giải tranh chấp hợp đồng đang được các bên rất coi trọng. Các bên phải tự thương lượng, hòa giải với nhau để giải quyết tranh chấp. Khi thương lượng, hòa giải không thành mới đưa ra Tòa án hoặc trọng tài để giải quyết.

Bên cạnh đó, ngay tại Tòa án các bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải với nhau, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Hòa giải bao gồm các hình thức:

– Tự hòa giải: Các bên tranh chấp tự tổ chức, tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp mà không cần tới trợ giúp của bên thứ ba.

– Hòa giải qua trung gian: Các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của bên thứ ba (người trung gian hòa giải). Trung gian thực hiện hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp chọn lựa hoặc do pháp luật quy định.

– Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: Các bên tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện tranh chấp ra Tòa án hay trọng tài.

– Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải diễn ra dưới sự trợ giúp của Tòa án hay trọng tài và được tiến hành tại cơ quan Tòa án, cơ quan trọng tài. Các cơ quan này sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một bên. Kết thúc hòa giải, Tòa án, trọng tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên trong thực tiễn.

3.2. Phương thức giải quyết bằng trọng tài:

Đặc điểm cơ bản cả giải quyết bằng trọng tài đó là, các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại cơ quan Trọng tài và Trọng tài sau khi xem xét sự việc tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên trong thực thế. Do đó, phương thức giải quyết bằng trọng tài cũng bắt nguồn từ sự thỏa thuận của các bên hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện. Đặc biệt, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định trọng tài viên thành lập Hợp đồng (hoặc Ủy ban) Trọng tài giải quyết tranh chấp cho mình.

Điểm khác nhau giữa thương lượng hòa giải với trọng tài đó là trọng tài là một cơ quan tài phán (xét xử), thể hiện ở quyết định trọng tài có giá trị cưỡng chế thi hành. Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ kinh tế, trong đó có tranh chấp Hợp đồng.

Thẩm quyền của Trọng tài được xác định không phụ thuộc vào quốc tịch, địa chỉ trụ sở giao dịch chính của các bên tranh chấp hay nơi các bên tranh chấp có tài sản hay nơi ký kết hoặc thực hiện Hợp đồng. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là các bên phải có thỏa thuận trọng tài, theo đó:

  • Thỏa thuận trọng tài là sự nhất trí của các bên khi phát sinh giữa họ sẽ ra giải quyết tại trọng tài.
  • Thỏa thuận trọng tài phải thể hiện dưới hình thức văn bản;
  • Thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản của Hợp đồng (điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng) hay là một thỏa thuận riêng biệt (văn bản thỏa thuận giải quyết trọng tài).
  • Mọi sự thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng như: tạm đình chỉ, đình chỉ, hủy bỏ, Hợp đồng vô hiệu đều không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của thoả thuận trọng tài (trừ trường hợp lý do làm Hợp đồng vô hiệu cũng là lý do làm thoả thuận trọng tài vô hiệu).
  • Thỏa thuận trọng tài không có giá trị ràng buộc các bên khi nó không có hiệu lực hoặc không thể thi hành được.
  • Khi đã có thỏa thuận trọng tài thì các bên chỉ được khởi kiện tại trọng tài theo sự thỏa thuận, Tòa án không tham gia giải quyết nếu các bên đã thỏa thuận trọng tài. Trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài là không thể thực hiện được.

Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần và phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: các bên không thể kháng cáo. Trong thời hạn ấn định của phán quyết trọng tài, các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết.

3.3. Phương pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Tòa án:

Khi phát sinh tranh chấp trong hợp đồng, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể lựa chọn khởi kiện để giải quyết tại Tòa án. Tùy theo tính chất của Hợp đồng là Hợp đồng kinh tế hay Hợp đồng dân sự mà các tranh chấp phát sinh có thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự.

Quyết định của Tòa án có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp. Tòa án tổ chức 2 cấp xét xử đảm bảo tính chính xác, công bằng, đúng pháp luật, những sai xót trong quá trình giải quyết tranh chấp ở cấp sơ thẩm sẽ được xem xét, sửa chữa ở cấp Phúc thẩm.

4. Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng của công ty Luật Việt JVS

 

Tranh chấp hợp đồng luôn là một quá trình mệt mỏi và tốn kém, để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho khách hàng, Luật Việt JVS sẽ giúp khách hàng:

  • Tư vấn, tìm cơ sở pháp lý, đưa ra hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng;
  • Đại diện khách hàng tham gia thương lượng, hòa giải tranh chấp hợp đồng;
  • Đại diện khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tại cơ quan Tòa án, Trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại.

Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng, nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ với chũng tôi để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.