Cho thuê lại lao động là một dịch vụ phổ biến mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng. Dưới đây Công ty Luật Việt JVS sẽ cũng cấp những quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến việc cho thuê lại lao động.
1. Cho thuê lại lao động là gì?
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác.
Đồng thời chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định.
2. Điều kiện xin giấy phép cho thuê lại lao động
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP điều kiện cấp Giấy phép cho thuê lại lao động bao gồm:
(i). Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:
- Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật phải là Giám đốc / Tổng Giám đốc / Chủ tịch Hội đồng quản trị / Chủ tịch Hội đồng thành viên / Chủ tịch công ty.
- Không có án tích;
- Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
(ii). Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).
3. Hồ sơ xin giấy phép cho thuê lại lao động
Danh mục hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép cho thuê lại lao động
- Bản lý lịch tự thuật
- Giấy xác nhận ký quỹ
- Lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật.
- Xác nhận kinh nghiệm làm việc của Người đại diện theo pháp luật.
- Hợp đồng thuê trụ sở và các giấy tờ liên quan đến trụ sở như: Sổ đỏ, Giấy phép xây dựng…
- Bằng đại học, Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của Người đại diện theo pháp luật.
- Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp.
Giấy phép cho thuê lại lao động có thời hạn không quá 60 tháng, có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 60 tháng.
4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ cho thuê lại lao động
Bước 1: Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép. Sau khi kiểm tra đủ giấy tờ quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ.
Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đảm bảo theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.
Với nội dung trên, Việt JVS cung cấp thông tin tư vấn về điều kiện, trình tự và thủ tục xin giấy phép cho thuê lại lao động. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ với Việt JVS để được tư vấn pháp luật miễn phí và sử dụng dịch vụ của chúng tôi.